Hiến pháp năm 2013 được thông qua tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Quyền con người được quy định trong Chương II của Hiến pháp 2013 được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), so với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như:
Một là, đưa vị trí Chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân" từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 về Chương II trong Hiến pháp 2013. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền Nhân dân trong Hiến pháp, coi Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí trang trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Hai là, Điều 14 Hiến pháp 2013 khẳng định “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.
Nếu như Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận thuật ngữ "quyền con người" thông qua quy định “quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được thể hiện trong quyền công dân” tại Điều 50. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 1992 lại chưa phân biệt rạnh ròi được quyền con người với quyền cơ bản của công dân. Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Theo đó, quyền con người được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra (kể cả đối với người quốc tịch nước ngoài, người không quốc tịch, người có quốc tịch Việt Nam đã bị tước hoặc hạn chế một số quyền công dân); còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với nhà nước. Để làm rõ sự khác biệt này, tham khảo các công ước Quốc tế về quyền con người và Hiến pháp của các nước, Hiến pháp 2013 đã sử dụng từ “mọi người” khi thể hiện quyền con người và dùng từ “công dân” khi quy định về quyền công dân.
Bên cạnh đó, nhằm khắc phục sự tùy tiện ra các quy định trong việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp năm 2013 đã quy định nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự án toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, không ai được tùy tiện cắt xén, hạn chế các quyền, ngoại trừ các trường hợp cần thiết nói trên do Luật định. Điều này xác lập nguyên tắc quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế bằng Luật chứ không phải các văn bản dưới luật.
Ba là, trách nhiệm của Nhà nước và những đảm bảo của Nhà nước trong việc ghi nhận, tôn trọng, thực hiện và bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định đầy đủ trong Hiến pháp. Ngoài nguyên tắc như: “Quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”(Điều 14); ở hầu hết các điều đều quy định trách nhiệm và đảm bảo của Nhà nước như Điều 17: “Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài”; Điều 28: “Nhà nước tạo mọi điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”… và ở nhiều điều khác.
Bốn là, Hiến pháp mới bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước. Đó là Quyền sống (Điều 19), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21), Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), Quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36), Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41), Quyền xác định dân tộc (Điều 42), Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43)... Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.
Ngoài ra, Quyền con người không chỉ đề cập ở Chương II mà ở nhiều chương khác như chương về Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Cụ thể, Chính phủ bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân (Khoản 6 Điều 96); Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (Khoản 3 Điều 107); Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân (Khoản 3 Điều 102). Như vậy, bộ máy Nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này thể hiện sự kế thừa và tiếp thu quan điểm tiến bộ của các nước trên thế giới.
Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự kết tinh của tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới. Việc hiến định, hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp sửa đổi là sự tiếp nối, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời, chuyển hóa sâu sắc nhiều nội dung, tinh thần các Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự, quyền kinh tế, văn hóa, nhân quyền…; tạo nền tảng pháp lý cao nhất bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được thực hiện, đáp ứng mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.
(theo nguồn TS. Nguyễn Văn Thái
Giám đốc Sở Tư pháp Hải Phòng)