Luật thi đua khen thưởng năm 2022 bao gồm 8 chương, 96 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 có một số điểm mới sau đây:

 1. Về nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng

Theo quy định tại Điều 7 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022, căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua bao gồm: “1. Phong trào thi đua; 2. Thành tích thi đua; 3. Tiêu chuẩn danh hiệu thi đua”. Như vậy, so với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bỏ căn cứ “Đăng ký tham gia thi đua”. 

Tại Điều 10 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 về căn cứ xét khen thưởng đã sử dụng từ “Thành tích đạt được” thay “phạm vi, mức độ ảnh hưởng của thành tích”; sử dụng từ “Điều kiện và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích” thay “trách nhiệm và hoàn cảnh cụ thể lập được thành tích”.

2. Bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu”

Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, “Huy hiệu” là hình thức khen thưởng để tặng cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, Điều 9 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 không còn quy định về hình thức khen thưởng “Huy hiệu”.

 3. Thay đổi đối tượng được tặng Huân chương Lao động

Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, đối tượng được tặng Huân chương Lao động ở các hạng bao gồm cá nhân và tập thể, tuy nhiên, theo quy định tại Luật thi đua, khen thưởng năm 2022, đối tượng được tặng Huân chương lao động các hạng bao gồm: Cá nhân; Công nhân, nông dân; Doanh nhân, trí thức, nhà khoa học; Tập thể; Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác; Cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tập thể người nước ngoài.

 4. Bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú

 Tại Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” để tặng cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm: Diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, phát thanh viên; Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng trên do Chính phủ quy định.

Như vậy, so với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 đã bổ sung đối tượng là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật khác do Chính phủ quy định.

5. Bổ sung nhiều hình thức khen thưởng cho người nước ngoài

Theo quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, người nước ngoài chỉ được xét tặng “Huân chương Hữu nghị”, “Huy chương hữu nghị”, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung nhiều hình thức khen thưởng cho người nước ngoài, cụ thể: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hữu nghị; Huy chương Hữu nghị; Giải thưởng Hồ Chí Minh; Giải thưởng Nhà nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.       

6. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng

- Giảm số lượng hồ sơ đề nghị khen thưởng Nhà nước (khoản 4 Điều 84);

- Bổ sung quy định về hồ sơ, thủ tục khen thưởng theo thủ tục đơn giản (khoản 1 Điều 85);

- Bổ sung quy định “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng” là một nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng (điểm e khoản 2 Điều 89).