In bài này

Giáo dục bảo vệ môi trường đối với sinh viên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ sinh viên sau khi ra trường sẽ là các cán bộ, lực lượng nòng cốt trong các cơ quan, đoàn thể tại các địa phương, trong đó có cả các vùng sâu, vùng xa. Những chủ nhân tương lai của đất nước phải biết, hiểu đầy đủ về quê hương đất nước mình, bảo vệ và xây dựng cuộc sống tốt đẹp điều này gắn chặt với sự tồn  tại và phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng. Những con người phải có đầy đủ kiến thức hiểu biết về môi trường tự nhiên, xã hội và biết giữ gìn, bảo vệ và duy trì sự phát triển môi trường sống của mình.

 

Để nâng cao ý thức BVMT trong sinh viên cần phải thực hiện các nội dung sau:

1. Tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường trong khuôn viên nhà trường, nơi ở, nơi cư trú

Đây là hoạt động cần thực hiện thường xuyên trong tuần, trong tháng cùng với các hoạt động lao động khác nhằm hình thành ‎ý thức, thói quen cho sinh viên giữ gìn vệ sinh trường, lớp, nơi ở sạch đẹp, thoáng mát. Sinh viên được chia thành từng đội, nhóm thực hiện công việc đã được phân công có sự giám sát, đánh giá xếp loại sau từng buổi hoạt động của các thành viên tổ vệ sinh môi trường.

Các hoạt động cụ thể:

-   Chăm sóc cây xanh, hoa cảnh, cây cảnh trong khuôn viên nhà trường: Làm cỏ, cắt tỉa lá vàng, cành khô, vun đất, cho phân bón,…

-   Quét dọn và thu gom rác thải trong và ngoài khuôn viên nhà trường: sân trường, đường đi, khu vui chơi giải trí, quanh khu làm việc, trước cổng trường, vỉa hè dọc hành lang của trường, đường lộ trước trường, khuôn viên công cộng,…

-   Bảo vệ, giữ gìn nguồn nước, vệ sinh cống thoát nước, hệ thống nước thải

-   Quét dọn phòng học, lau chùi bàn ghế, bảng của phòng học, bàn ghế cửa phòng làm việc nhà công vụ,…

-   Tổ chức phát quang, làm thông thoáng môi trường sống.

2. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường

Nội dung của cuộc thi bao gồm hiểu biết về các vấn đề sau:

-   Luật Bảo vệ môi trường

-   Hiểu biết của sinh viên về những vấn đề môi trường hiện nay: con người, tài nguyên, khai thác, sử dụng tài nguyên, những vấn đề về ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững, các biện pháp để hạn chế, khắc phục và duy trì ổn định, phát triển bền vững của môi trường 

-   Nhận thức và thể hiện bằng hành động của sinh viên với môi trường toàn cầu, với đất nước Việt Namvà khu vực địa phương nơi trường đóng.

-   Sự quan tâm của sinh viên với những vấn đề đã và đang nảy sinh hiện nay về môi trường, ô nhiễm môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường, giáo dục bảo vệ môi trường trong các trường học các cấp học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học.

-   Những vấn đề khác có liên quan đến môi trường.

+ Tổ chức thi tiểu phẩm tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi trường

-   Tiểu phẩm tuyên truyền về môi trường xanh, sạch, đẹp

-   Tiểu phẩm nhằm phê bình, cảnh báo tác hại của việc sử dụng các loại chất hoá học cho cây trồng, vật nuôi và môi trường sinh thái…

-   Tiểu phẩm về khai thác tài nguyên: nước, đất, rừng, thú hoang dã…làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sự phát triển bền vững

-   Tiểu phẩm về sự phát triển dân số, thất nghiệp, đói nghèo, tệ nạn xã hội…

-   Tiểu phẩm về sự phát triển công nghiệp, đô thị hoá, phát triển của giao thông làm ảnh hưởng lớn đến môi trường, làm mất tính ổn định của môi trường.

-   Tiểu phẩm về thời trang, hoá trang…nhằm tuyên truyền về việc tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng.

+ Tổ chức cho sinh viên thực hiện công tác nghiên cứu khoa học:

Mục đích của hoạt động này là nhằm giáo dục sinh viên có hiểu biết về pháp luật và chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường, có kiến thức về môi trường để tự giác thực hiện bảo vệ môi trường thông qua công tác nghiên cứu khoa học.

Các nội dung nghiên cứu có thể hướng đến các chủ đề: sản xuất phân bón từ rác thải sinh hoạt; Ứng dụng chê phẩm vi sinh vật để sản xuất phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp (rơm rạ, lõi ngô, vỏ cà phê…).

3. Tổ chức các chiến dịch môi trường

Hình thức chiến dịch không chỉ tác động đến sinh viên mà tới cả cộng đồng. Chính trong các hoạt động này, học sinh, sinh viên có cơ hội khẳng định mình trong cộng đồng, qua đó hình thành và phát triển ý thức “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Hiện nay, vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói riêng đã trở thành vấn đề thời sự cấp bách đối với mọi quốc gia, mọi cộng đồng trên hành tinh. Đấy là vấn đề sống còn của nhân loại. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cho tầng lớp học sinh, sinh viên trong hệ thống giáo dục ở nhà trường là mục tiêu cần được chú ý và ưu tiên.

Bảo vệ môi để phát triển bền vững đã trở thành một xu thế tất yếu của thời đại. Việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng và học sinh, sinh viên là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm đảm bảo sự trường tồn của trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.